Thời gian sau khi tốt nghiệp chắc chắn là thời gian chênh vênh nhất đối với hầu hết các tân cử nhân, đây là khoảng thời gian mà người trẻ ở độ tuổi 22-25 trên toàn thế giới ưu ái để dành cho nó một tên gọi riêng là “quarter-life crisis” ( tạm dịch: khủng hoảng ¼ cuộc đời).

Người lo lắng hối hả tìm việc, người lại hối hận vì không lo trau dồi bản thân trong thời gian còn ngồi trên ghế nhà trường, nhìn lại khoảng thời gian tự nuông chiều mình hưởng thụ sự nhàn hạ trong khi các bạn đồng trang lứa đang cày ngày cày đêm với mục đích mài dũa bản thân để sau này có thể tỏa sáng như những viên kim cương đã được tinh luyện cách kĩ xảo. Số khác lại cảm thấy mơ hồ bất định giữa các ngã rẽ của cuộc đời khi lần đầu tiên chạm ngõ với trường đời, phải tự lực cánh sinh và chịu trách nhiệm hoàn toàn cho cuộc đời mình. Khách quan mà nói, đó là quy luật tất yêu trong sự phát triển của con người, giống như bước chuyển giao, bước đột phá để trở thành người trưởng thành thực thụ.

Có một chút may mắn hơn số ít bạn khác khi xác định được sẵn mình sẽ làm gì khi ra trường. Nhưng dường như con đường không thẳng tắp như mình thường nghĩ và đó chính là điểm non nớt trong suy nghĩ mà mình cần cải thiện nhiều. Và trước khi đến với quyết định để làm công việc hiện tại, câu hỏi học tiếp để trau dồi kiến thức sâu hơn hay bắt tay vào làm việc luôn ở trong nước để “ngâm mình” trong kinh nghiệm thực tế thực sự làm mình đau đầu. Mình mất khoảng 3 tháng trước tốt nghiệp để vật lộn với câu hỏi trên. Mất quá nhiều thời gian để suy nghĩ mà vẫn đưa ra được đáp án rạch ròi cho câu hỏi trên nên mình quyết định liều thôi “ no pain no gain” mà, đi làm vừa có tiền, vừa có thể gọt dũa nhiều khía cạnh khác của bản thân lại vừa có thể để cho đầu óc “break” một chút khỏi chương trình học thuật đại học. Nghĩ là làm. Sau khi quyết định được thế, mình còn nhìn nhận ra được một điều là có thể nếu mình chọn học lên ngay sau khi tốt nghiệp thì mình chỉ có thể học trong nước với mức tài chính ở hiện tại nhưng nếu giờ mình làm việc và nếu ổn thỏa thì sau khoảng 2 năm mình có thể ra nước ngoài tu nghiệp cũng nên.

Và đến bây giờ mình đã làm việc được khoảng 3 tháng và khá là yêu thích công việc này nhưng vẫn luôn cảm thấy năng lực của bản thân chưa đủ, nếu mình cảm thấy thỏa mãn với hiện tại mà không nỗ lực gì thêm thì 10 năm nữa mình chắc chắn chẳng là gì cả trong cái thế giới tri thức khổng lồ này. Mình luôn mơ hồ với câu hỏi “nên biết sâu hay biết rộng?” . Nếu chỉ biết sâu về một thứ mà những thứkhác không biết gì hay biết rất nhiều lĩnh vực mà mỗi thứ chỉ biết một ít thì cũng chẳng phải là điều mình muốn. Và đáp án dĩ nhiên là “ biết sâu rộng”! Đúng là để có thể trở thành một tinh anh trong xã hội không phải dễ nhỉ! Trước khi đạt được đến cái gọi là tinh anh thì trước hết phải cố gắng cho mình không bị xếp vào nhóm tầm thường cái đã! Chỉ cần nghĩ đến cuộc sống sau này nếu mình trở thành một người nào đó “được” gán cho chữ “tầm thường” là mình lại lên dây cót để tự nắn chỉnh mình ngay.

Và giờ lại có câu hỏi khác tìm đến mình đó là giờ nếu các bạn đã biết sẵn mình muốn làm gì và mình sẽ làm gì rồi thì các bạn sẽ bắt tay vào làm việc luôn hoặc sẽ startup luôn hay sẽ chọn làm ở 1 công ty lớn có nền tảng để nâng cấp CV của các bạn để sau này có nhiều lựa chọn trong công việc hơn?